Những điểm du lịch dưới đây còn níu chân khách du lịch bằng những món ăn ngon tuyệt cú mèo, và được ví như thiên đường ẩm thực của Việt Nam.
Hà Nội
Ẩm thực Hà Nội thể hiện rõ nét văn hóa ở nơi đây: dù có sự pha trộn giữa nét truyền thống và hiện đại nhưng tinh tế, thanh lịch.
Hà Nội có hàng trăm món để “mê”, từ phở bò, phở gà ngọt vị nước dùng; bún chả với mắm chấm chua ngọt dậy vị cho đến bún đậu ăn cùng thịt luộc, chả cốm mềm mịn và mắm tôm thơm phức… Ngoài ra thì chả cá Lã Vọng, bánh cuốn Thanh Trì, xôi xéo, háo sườn… cũng là những món ngon mà ai đến Hà Nội cũng nóng lòng được nếm thử.
Nói về những món ăn vặt, Hà Nội lại càng ghi điểm khi mùa nào cũng có “của ngon vật lạ” từ các tỉnh lân cận trở về và cả những đặc sản rất riêng biệt như ô mai, sấu, cốm, mứt sen… Nhìn chung món ăn Hà Nội, món nào cũng đặc sắc và thể hiện quan điểm của người Hà thành xưa: ăn không chỉ để no, mà để thưởng thức những hương vị tinh túy của đất trời.
Huế
Nói về ẩm thực Huế, người ta thường dùng hai từ để miêu tả: rất cay và rất ngon. Món ăn Huế có vị cay nồng, nhưng lại vô cùng ngon, đậm đà, giàu hương vị, khiến bạn dù chảy nước mắt (vì cay) nhưng vẫn muốn thưởng thức nhiều hơn nữa. Nức tiếng nhất ở Huế đó là món bún bò với thành phần gồm bún, thịt bắp bò, giò heo, cùng nước dùng hầm từ xương bò ngọt thơm và nước dùng dậy vị mắm ruốc. Một lần được ăn bún bò Huế, người ta sẽ khó mà hài lòng với bún bò ở đâu khác, cho dù món bún đó có được nấu bởi đầu bếp khách sạn 5 sao.
Một đặc sản đậm chất Huế mà không đâu ngon bằng, đó là cơm hến, ăn cùng chút mắm ruốc, tóp mỡ vừa giòn, vừa mịn, vừa thơm cực cuốn hút. Huế cũng rất nổi tiếng với những món bánh vô cùng thơm ngon như bánh bột lọc, bánh nậm, bánh bèo… Sự tinh tế của người Cố đô đã biến những món bánh này trở thành một phần vô cùng không thể thiếu của Huế. Ngoài món mặn, món chay của Huế cũng được chế biến cực kỳ tinh tế, thơm ngon và nổi bật, rất đáng để thưởng thức.
Món ăn ở Huế ngon, thức uống cũng không kém phần quyến rũ. Món giải khát được yêu thích ở Huế – chè nổi tiếng khắp cả nước và được nhân rộng ở nhiều tỉnh thành. Các quán chè ở Huế thường nằm sâu trong các ngóc ngách và được gọi bằng cái tên thân thương: chè Hẻm. Mỗi loại chè có một hương vị riêng, nhưng đều ngọt mát, thanh nhã như con người Huế. Ngoài ra, thức uống truyền thống – trà cung đình Huế với cách pha chế tinh tế, trang nhã, với nhiều tác dụng thanh lọc cơ thể, bồi bổ sức khỏe cũng làm du khách thập phương mê mẩn.
Hội An
Hội An tuy không lớn, nhưng danh tiếng của nơi đây thì quả thật “không phải dạng vừa đâu”, đặc biệt, ẩm thực Hội An đã trở thành một thương hiệu, luôn được du khách khắp mọi miền trên thế giới khen không ngớt. Các món ăn ở Hội An có một đặc trưng là vị ngọt thanh đi kèm với vị cay khá ngon miệng, cộng với cách trang trí trang nhã, nhiều màu sắc bắt mắt.
Được nhiều khách du lịch phương xa biết đến nhất chính là tiệm bánh mì ngon nhất thế giới. Vỏ bánh mì giòn tan, nhân bánh đa dạng, ngon lành cộng với món nước sốt gia truyền đặc trưng tạo nên nét quyến rũ riêng cho món ăn đã trở thành thương hiệu trong mắt bè bạn thế giới.
Đến với Hội An, bạn cũng không thể quên thưởng thức những đặc sản nổi tiếng khác như mỳ Quảng, cao lầu, cơm gà – những mỹ thực đặc sản của miền đất này. Đồng thời các món ăn vặt đường phố như bánh đập, bánh vạc, bánh bao, chè cũng rất ngon và đáng để thử.
Các tỉnh ven biển miền Trung
Khách du lịch bốn phương mê tít các vùng biển ở miền Trung Việt Nam không chỉ bởi cảnh đẹp thỏa mãn con mắt, mà còn bởi món ăn ngon thỏa mãn dạ dày. Có thể nói rằng, những vùng biển này chính là thiên đường của các món hải sản tươi, ngon và đặc biệt giá cực rẻ.
Người miền Trung có cách chế biến hải sản mang đậm vị dân dã đặc trưng, cuốn hút. Người ta nghĩ ra rất nhiều cách để chế biến: xào, nướng, hấp, nấu lẩu, phơi nắng… mỗi món một mùi, một vị nhưng đều không làm mất đi sự tươi ngon, đậm đà của đại dương sâu thẳm.
Có thể kể qua một vài món hải sản, gắn liền với nhiều vùng biển dọc miền Trung nắng gió như cá lồi xối mỡ ở Phan Thiết, đẻn biển Quảng Bình, các loại cá phơi khô ở Đà Nẵng… và đặc biệt là món lẩu thuyền chài dung dị, thơm ngon vô cùng cuốn hút.
Sài Gòn
Với sự giao thoa của nhiều nền văn hóa Đông và Tây, xưa và nay, nói về ẩm thực Sài Gòn, người ta thường dùng từ đặc sắc, phong phú để miêu tả. Các món ăn ở Sài Gòn được chia theo phố, theo khu, có đủ cả các cửa tiệm sang trọng đến những món vỉa hè bình dân. Và để ăn hết những món ngon của Sài Gòn, một chuyến đi vài ngày chắc chắn là chưa đủ.
Sài Gòn là thiên đường ẩm thực của những thiên đường ẩm thực. Ở xứ sở ẩm thực màu sắc này, bất cứ ai, đến từ nơi nào trên thế giới cũng có thể tìm được món ăn thỏa mãn được dạ dày, được sở thích của mình. Nhưng ngon nổi bật và đặc trưng nhất phải kể đến cơm tấm với những thịt sườn ra tấm ra miếng nướng ăn kèm cơm, đồ chua, nước mắm.
Ngoài ra hàng trăm món ngon lành như phá lấu, hải sản vỉa hè, hủ tiếu, sinh tố cũng khiến bạn “quên đường về” bởi quá ngon, quá rẻ. Thực tế đồ ăn Sài Gòn không quá lạ, bởi nó đến từ khắp mọi miền trên thế giới, nhưng có lẽ khi về đến Sài Gòn nhờ với văn hóa thưởng thức phóng khoáng, cởi mở của nơi đây, chúng đã có một hương vị rất mới và mang nét đặc biệt riêng, rất Sài Gòn.
Miền Tây
Miền Tây là thiên đường của những loại hoa quả, với những miệt vườn rộng lớn, đầy ắp những loại trái cây tươi ngon, giá rẻ. Các loại quả đặc trưng của vùng nhiệt đới ngon ngọt, căng mẩy: thanh long, chôm chôm, quýt, dừa… mỗi mùa một loại trái cây luôn khiến khách du lịch thập phương luôn không kìm được lòng.
Ngoài những loại quả ngon, trái ngọt, miền Tây còn nổi tiếng với những đặc sản dung dị của miền sông nước, miệt vườn. Khách đến miền Tây ghé nhà người dân địa phương, thường được chiêu đãi những món ngon với nguyên liệu có sẵn từ vườn cây, sông nước gần nhà, với cách chế biến không cầu kỳ nhưng thức ăn rất tươi ngon, đậm đà hương vị.
Có thể kể đến một số món đặc sản của các tỉnh thành ở miền Tây như cá lóc nướng trui, lẩu mắm Cần Thơ, gỏi bưởi khô cá lóc An Giang, đuông dừa Bến Tre, nem nướng Cái Răng – Cần Thơ, mắm còng xứ rẫy Tiền Giang… Hương vị đậm đà của vùng sông nước khiến bạn chỉ nếm một lần cũng vô cùng khó quên.
Nguồn: Trí Thức Trẻ