Cùng tìm hiểu về loài “cá dương vật” mà minh tinh trái đất đòi ăn trong phim “Vì sao đưa anh tới”.
Chắc hẳn ai là fan của bộ phim Hàn Quốc nổi đình nổi đám “Vì sao đưa anh tới” sẽ không thể quên cảnh minh tinh trái đất Chun Song Yi đòi ăn món “cá dương vật”
Đây là một chi tiết khá hài hước bởi cái tên kỳ lạ “cá dương vật” khiến chính cả nhân vật trong phim cũng phải… ngẩn tò te vì không biết nó là con gì. Hãy cùng săn lùng danh tính thật sự của loài “cá” này qua bài viết dưới đây.
Loài “cá dương vật” được nhắc tới trong bộ phim thực chất không phải thuộc họ nhà cá. Trên thực tế, chúng là một loài giun thìa có tên khoa học Unicinctus Urechis, quê hương chính ở vùng biển phía Bắc Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Người dân xứ sở kim chi gọi chúng là gaebul. Sâu Unicinctus Urechis có rất nhiều biệt danh đáng yêu mà người Hàn Quốc đặt, điển hình nhất là “cá dương vật” hay “giun chủ quán trọ béo”.
Sở dĩ những chú “cá dương vật” có hai biệt danh trên chính bởi vẻ bề ngoài cũng như tập tính của chúng. Unicinctus Urechis có màu hồng thịt, làn da trơn tuột, có vài phần phình to trên thân người.
Nhìn từ xa, trông Unicinctus Urechis chẳng khác nào… dương vật của phái mạnh cả. Cộng thêm khả năng bơi lội của mình nên biệt danh “cá dương vật” mới xuất hiện từ đó. Ngoài ra, loài giun này còn rất thích đào hang dưới cát và bùn giống như chuột chũi ở trên cạn. Hang của chúng không biết vô tình hay hữu ý lại rất hay được các sinh vật khác tìm tới trú ngụ và cái tên “chủ quán trọ” cũng vì thế mà ra đời. Loài “cá dương vật” này rất thích đào hang dưới cát và bùn giống như chuột chũi ở trên cạn.“Cá dương vật” được sử dụng chủ yếu trong việc chế biến các món ăn tại Hàn Quốc và Trung Quốc. Ở xứ sở kim chi, người ta thường bắt sống chúng về, rửa sạch, thái lát, ăn sống kèm muối và dầu mè.
Theo nhiều khách du lịch tới Hàn Quốc, món ăn này dai, ngon, có vị như hàu, sò tươi và nhất là… ghê rợn khi những phần cơ thể “cá dương vật” thái lát vẫn còn ngọ nguậy ngay trên đĩa.
Đồng thời, chúng có thể ăn chín nếu đem xào với rau và các gia vị khác. Bên cạnh đó, món “cá dương vật” cũng là một trong những nét đặc trưng của ẩm thực Sơn Đông, Trung Quốc.
Ngoài việc trở thành một món ăn đặc sản, các nhà khoa học Nhật Bản cũng phát hiện một công dụng khác của “cá dương vật”. Theo đó, trong một thí nghiệm, các chuyên gia đã thả xuống mỗi hồ cá lớp trầm tích bị ô nhiễm và khoảng 500 cá thể “giun chủ quán trọ béo” còn non.
Sau 2 tháng, họ bắt đầu kiểm tra, ghi chép và phân tích số liệu về mức độ ô nhiễm trong hồ. Kết quả thật đáng kinh ngạc – sự góp mặt của “cá dương vật” làm giảm đáng kể nồng độ trầm tích bị ô nhiễm.
Theo lý giải của các chuyên gia, nguyên nhân chính nằm ở tập tính thích đào hang dưới cát, bùn của loài giun này. Nhờ đó, trong tương lai không xa, “cá dương vật” có thể được nuôi ở diện rộng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước biển gần bờ.