Bản Người Rục – Bộ lạc bí ẩn nhất thế giới

Người Rục là một bộ phận (vi tộc dân) của dân tộc Chứt hiện còn bảo tồn nhiều giá trị văn hoá đặc thù và cổ xưa. Xã Thượng Hoá nơi sinh sống của người Rục nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên “Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng”.

Sự đa dạng về mặt sinh cảnh (sinh cảnh núi đá vôi, núi đất, thung lũng, hang động, sông ngầm, suối…) đã tạo nên sự đa dạng về sinh học (động thực vật), hình thành lối ứng xử đa tình huống biểu hiện trong sinh hoạt, cư trú cũng như trong sản xuất của con người sinh tụ nơi đây.

Đây là một trong những nguyên nhân góp phần vào sự duy trì bảo lưu những yếu tố văn hoá nguyên thuỷ của người Rục so với những tộc người khác.

Bản người Rục

Dân tộc Rục – Bản người Rục

Tộc người Rục được một tiểu đội công an Quảng Bình phát hiện vào ngày 12/8/1959 trong hang sâu tại vùng hang động Phong Nha – Kẻ Bàng thuộc xã Thượng Hóa huyện Minh Hóa (Quảng Bình) gồm 11 hộ với 34 người.

Năm 1960, bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương tỉnh Quảng Bình bắt đầu vận động người Rục rời hang đá ra sống định canh, định cư.

Người Rục quen ở hang sâu, săn bắt, hái lượm, nhưng họ cũng có một cuộc sống tinh thần phong phú với những nhạc cụ núi rừng như đàn trơ bon, đàn môi, sáo dọc và làn điệu cà lưm cà lềnh.

Trong hơn 40 năm, người Rục đã làm một cuộc hành trình về với cộng đồng.

Đến cuối năm 2006, nhân khẩu đã lên đến 414 người và được phân bố trong bốn bản Phú Minh, Ón, Yên Hợp và Mò O – Ồ Ồ thuộc xã Thượng Hóa, ở xen với các tộc như Sách, Mày, Kinh.

Số liệu năm 2009 số lượng nhân khẩu có khoảng 600 người.

bản người Rục

Nước ngập bản người Rục sau những mùa lũ

Có thể nói, lớp cư dân có mặt sớm ở vùng núi phía Tây Quảng Bình mà chúng ta biết đến là các nhóm tộc người thiểu số nói ngôn ngữ Việt – Mường bao gồm Sách, Mày, Mã Liềng, Rục, A Rem.

Đây là những nhóm hiện nay được đa số các nhà nghiên cứu cho rằng còn bảo lưu rất nhiều yếu tố văn hoá và ngôn ngữ cổ của khối Việt – Mường.

Hiện nay, vấn đề nguồn gốc, quá trình di cư và hình thành nhóm người Rục cũng như mối quan hệ giữa nhóm Rục với các tộc người khác đang còn là những vấn đề tranh cải với nhiều ý kiến khác nhau.

Tuy nhiên, cùng với lịch sử hình thành và phát triển vùng đất, quá trình cư trú xen kẽ, quan hệ hôn nhân đã tạo ra giữa nhóm người Rục và các nhóm khác với những mối liên hệ nhất định trong kinh tế, văn hoá, tín ngưỡng và ngôn ngữ.

Địa điểm:

  • Xã Thượng Hoá – Huyện Minh Hoá – Tỉnh Quảng Bình.
LihatTutupKomentar